Thứ Sáu,ngày 29/03/2024 | 01:44 (GMT+7)
Tìm kiếm:
TÀI TRỢ




THÔNG BÁO
VĂN BẢN MỚI
LIÊN KẾT WEBSITE
THỐNG KÊ WEBSITE
Số người online: 2
Lượt truy cập: 337176
HOẠT ĐỘNG HỘI VIÊN » XEM CHI TIẾT
CIO “tay ngang” làm lợi cho gần 45.000 người

Hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu và quản lý theo học chế tín chỉ của trường Đại học Cần Thơ có gần 45.000 người hưởng lợi.


Đây là một minh chứng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo có tính quyết định tới sự phát triển ứng dụng CNTT.

Nhiều trường học hỏi

Tháng 8/2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT về việc chuyển hình thức đào tạo đại học và cao đẳng theo hệ thống niên chế sang hệ thống tín chỉ. Ngoài việc phải chuyển đổi toàn bộ chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và học tập, các văn bản quản lý... thì các trường đại học, cao đẳng cần phải chú trọng tới việc chuyển đổi hoặc mua mới các chương trình phần mềm phục vụ công tác quản lý, giảng dạy theo học chế mới.

Thực tế thời điểm đó, các phần mềm có trên thị trường đều không đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ dù chi phí đầu tư rất lớn. Mặt khác, tín chỉ vẫn còn là học chế mới, thường xuyên có nhiều thay đổi về chính sách, nếu mua một gói phần mềm được “may đo” sẵn thì sẽ không có khả năng chuyển đổi mở rộng để đáp ứng nhu cầu nảy sinh.

Nắm bắt thực tế, tháng 9/2007, trường Đại học Cần Thơ đã quyết định tự xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác quản lý theo hệ thống tín chỉ cho tất cả các loại hình đào tạo.

Về kỹ thuật, Hệ thống hoạt động trên nền web, không phụ thuộc vào nền tảng hệ điều hành là Windows hay Linux, Unix. Đặc biệt, Hệ thống được thiết kế theo dạng module, trên nền cơ sở dữ liệu Oracle tích hợp, có thể điều chỉnh nhanh chóng để thích ứng với các thay đổi trong chính sách của Bộ Giáo dục & Đào tạo và quy trình quản lý đào tạo của trường trong giai đoạn đầu chuyển sang hệ thống tín chỉ.

Bằng kinh nghiệm thực tế cùng quyết tâm cao của các lãnh đạo và cán bộ ở Đại học Cần Thơ, Hệ thống thông tin tích hợp đã được hình thành và phát huy tác dụng. Nhờ Hệ thống này, các sinh viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch học tập toàn khoá (xác định môn học và tiến độ học ở từng học kỳ, dự kiến thời gian tốt nghiệp); đăng ký môn học trực tuyến trong vòng vài phút; theo dõi được học bổng được hưởng, học phí... Kết quả học tập của sinh viên sẽ được lưu trữ trên mạng và dùng để xét tốt nghiệp một cách tự động bằng máy tính.

Còn cán bộ giảng viên có thể theo dõi và nắm bắt tiến trình học tập của sinh viên để kiểm tra và định hướng quá trình học tập. Mặt khác, giảng viên không cần phải tốn thời gian kê khai giờ giảng, bởi số lượng giờ giảng cũng đã được ghi nhận trên máy chủ (server) và sẽ được dùng làm căn cứ để tính tiền dạy vượt giờ. Từ khi triển khai Hệ thống thông tin tích hợp đến nay, nhân sự của Phòng Đào tạo được tinh giảm đi gần một nửa.

Được Bộ Giáo dục & Đào tạo khen ngợi trong việc chuyển đổi thành công sang học chế tín chỉ và xây dựng thành công Hệ thống thông tin tích hợp đáp ứng kịp thời cho công tác quản lý, hiện trường Đại học Cần Thơ đang là một “địa chỉ đỏ” để nhiều trường đại học và cao đẳng trong cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Hệ thống thông tin tích hợp của Đại học Cần Thơ đã được áp dụng tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Trường Cao Đẳng Cần Thơ.

Tình yêu CNTT của CIO “tay ngang”

Một điều đáng ngạc nhiên, Hệ thống thông tin tích hợp nêu trên được gây dựng và chủ trì triển khai bởi một vị lãnh đạo không được đào tạo chính quy về CNTT, đó là TS. Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ.

Chia sẻ với phóng viên Bưu điện Việt Nam, TS. Đỗ Văn Xê cho biết: “Dù không được đào tạo chính quy về CNTT nhưng tôi rất thích CNTT và đã biết tự học hỏi để trang bị kiến thức về CNTT. Từ lúc mới ra trường, tôi đã kiếm sống bằng nghề sửa máy vi tính, bán máy tính lẻ, lập trình thuê. Thành công nhất trong việc “kiếm cơm” của tôi là đã lập trình để xây dựng hệ thống quản lý, xử lý dữ liệu cho Sở Địa chính tỉnh Trà Vinh từ năm 1995. Hệ thống đó đã thực hiện tất cả các công việc nghiệp vụ của Sở Địa chính, từ việc quản lý số liệu đo đạc, xử lý số liệu tổng hợp báo cáo thông tin địa chính từ cấp xã đến cấp huyện và tỉnh, đến việc in được bản đồ địa chính”.

Hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực CNTT là một quãng thời gian đáng nể của một người vốn dĩ là “dân ngoại đạo”. Có lẽ một trong những yếu tố khiến thầy giáo Đỗ Văn Xê quyết tâm tham dự các khoá đào tạo ngắn hạn về CNTT là do đã từng nhiều năm giảng dạy lĩnh vực kinh tế nên có thể “cân đo” chính xác những “thiệt hơn” khi quyết định “chung thuỷ” với lĩnh vực “tay ngang” của mình.

Với tình yêu CNTT sâu nặng, thầy giáo Đỗ Văn Xê đã trở thành người đặt nền móng cho hoạt động ứng dụng CNTT của trường Đại học Cần Thơ. Chính ông là người đã giới thiệu cho lãnh đạo của trường biết về email bằng cách xây dựng hệ thống email từ thời sơ khai (lúc Việt Nam chưa chính thức kết nối Internet), giúp các lãnh đạo cấp cao bắt đầu nhận thức đúng mức về hiệu quả của CNTT trong quản lý giáo dục đại học.

Mới đây, TS. Đỗ Văn Xê đã được vinh danh trong danh sách 10 lãnh đạo CNTT (CIO) Đông Nam Á tiêu biểu năm 2011.

Theo quan điểm của TS. Đỗ Văn Xê, bất kể có được đào tạo chính quy CNTT hay không, “nếu muốn lãnh đạo CNTT thì người lãnh đạo cần phải nắm vững CNTT một cách có hệ thống, phải biết hệ thống hoá các công việc mình đang thực hiện, và phải có tầm nhìn xa về CNTT.

 
Hệ thống thông tin tích hợp của trường Đại học Cần Thơ đem lại lợi ích cho gần 45.000 người, gồm 1.933 cán bộ - giảng viên, 25.000 sinh viên hệ chính quy, 17.000 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 2.000 sinh viên hệ từ xa. Hàng năm, số tiền tiết kiệm được nhờ Hệ thống thông tin tích hợp không hề nhỏ…

Ngọc Mai




Các bài viết cùng loại:





 
 
 
 
 
 
Trang: 
/